Viêm phổi ở người già có lây không? Lây qua đường nào?

Viêm phổi ở người già là một bệnh lý phổ biến, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người cao tuổi. Vậy, bệnh viêm phổi ở người già có thể lây không và lây qua con đường nào? Có thể phòng tránh bệnh viêm phổi hay không? Cùng Nhân Ái Daycare theo dõi bài viết sau nhé!

Tổng quan viêm phổi ở người già

Để biết được bệnh viêm phổi ở người già có lây không, trước hết cần tìm hiểu một số thông tin về bệnh lý này. Viêm phổi ở người già là tình trạng nhiễm trùng nhu mô phổi xảy ra ở người cao tuổi do sự tấn công của các loại vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm…), khí độc hoặc vật thể lạ. Tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra ở một hoặc nhiều vùng (viêm phổi thùy hoặc đa thùy), thậm chí toàn bộ nhu mô phổi. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, tỉ lệ mắc bệnh thường tăng cao vào thời điểm giao mùa. 

Chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời là điều kiện tiên quyết để tối ưu hiệu quả chữa trị bệnh viêm phổi ở người cao tuổi. Điều này cũng góp phần ngăn chặn khởi phát biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, suy hô hấp, suy đa tạng…

Viêm phổi là căn bệnh thường gặp ở người già.

Viêm phổi ở người già có lây không?

Viêm phổi ở người già có thể lây truyền từ người này sang người khác nếu nguyên nhân gây bệnh bắt nguồn từ sự tấn công của virus hoặc vi khuẩn. Vì vậy, người cao tuổi cần có biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả, để có thể bảo sức khỏe và dự phòng được các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. (2)

Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi lây qua đường nào?

Viêm phổi ở người già có thể lây lan bằng hai cách là trực tiếp qua hô hấp và lây truyền gián tiếp, cụ thể:

1. Lây trực tiếp qua đường hô hấp

Bệnh viêm phổi do vi khuẩn hoặc virus gây nên có khả năng lây lan trực tiếp thông qua đường hô hấp. Vi khuẩn và virus luôn tồn tại ở trong mũi và khoang miệng, họng của người bệnh. Vì vậy, chúng dễ dàng tấn công vào cơ thể của người khỏe mạnh khi người này:

  • Nói chuyện, giao tiếp gần với người bệnh.
  • Tiếp xúc với giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc hôn.

Trên thực tế, vi khuẩn và virus gây viêm phổi chỉ có thể tấn công mạnh mẽ và phát triển nhanh chóng ở đối tượng có hệ miễn dịch kém. Đó là lý do vì sao người cao tuổi dễ bị lây bệnh viêm phổi do virus hoặc vi khuẩn hơn các đối tượng khác.

2. Lây truyền gián tiếp

Viêm phổi có thể lây truyền một cách gián tiếp thông qua việc tiếp xúc các đồ dùng, vật dụng có dính giọt bắn chứa vi khuẩn hoặc virus gây bệnh như đồ dùng cá nhân (khăn, ly uống nước, quần áo, bàn chải đánh răng…), nắm cửa, bàn ghế…. 

Đeo khẩu trang khi chăm sóc người già bị viêm phổi để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm viêm phổi ở người cao tuổi

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm viêm phổi ở người cao tuổi bao gồm:

  • Hệ miễn dịch suy yếu do tuổi cao, không đủ khả năng bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các nhân gây bệnh viêm phổi. 
  • Người cao tuổi là đối tượng dễ mắc phải các bệnh mạn tính gây suy giảm hệ miễn dịch như bệnh tim mạch, đái tháo đường, các bệnh lý tự miễn, Parkinson…
  • Người cao tuổi thường xuyên đến thăm khám, thậm chí lưu trú tại bệnh viện để kiểm tra sức khỏe hoặc điều trị các bệnh lý mạn tính. 
  • Quá trình lão hóa có thể khiến cho hoạt động của tuyến nước bọt ở người cao tuổi suy giảm.
  • Sự suy giảm vận động, hút thuốc lá 
Viêm phổi do vi khuẩn hoặc virus có nguy cơ lây nhiễm cao.

Các loại viêm phổi ở người già có thể bị lây nhiễm

1. Viêm phổi do vi khuẩn

Bệnh viêm phổi ở người cao tuổi có thể bắt nguồn từ nhiều loại vi khuẩn, trong đó phổ biến nhất là phế cầu khuẩn hay vi khuẩn Streptococcus Pneumoniae. Các loại vi khuẩn gây viêm phổi có thể lây truyền từ người này sang người khác thông qua giọt bắn hoặc tiếp xúc với đồ dùng mang nguồn vi khuẩn, tuy nhiên tốc độ lây bệnh chậm hơn virus. (4)

Tùy vào từng loại vi khuẩn, người cao tuổi bị viêm phổi có thể lây bệnh cho người khác chỉ sau vài ngày nhiễm bệnh. Thậm chí, ngay cả khi người bệnh viêm phổi đã bắt đầu sử dụng phác đồ điều trị bằng thuốc thì vi khuẩn gây bệnh vẫn có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

2. Viêm phổi do virus

Các loại virus gây viêm phổi có tính lây truyền cao và tốc độ lây lan rất nhanh, điển hình như virus cúm A, cúm B, SARS-CoV-2, Hantavirus,…

Tương tự như vi khuẩn, virus gây bệnh viêm phổi có thể dễ dàng lây lan từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp giọt bắn từ người bệnh hoặc gián tiếp từ đồ vật chứa virus.

Đây là bệnh lý phổ biến, chiếm khoảng ⅓ tổng số trường trường mắc bệnh viêm phổi hàng năm. 

Các loại viêm phổi ở người có tuổi không thể bị lây nhiễm

1. Viêm phổi do nấm

Viêm phổi do nấm không lây từ người này sang người khác mà chỉ khởi phát khi một người hít phải bào tử của nấm.

Các bào tử nấm này sẽ tấn công vào phổi khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm.Vì vậy, nâng cao sức khỏe hệ miễn dịch cho người cao tuổi là cách giúp làm giảm nguy cơ bị viêm phổi do nấm hiệu quả.

2. Viêm phổi do hóa chất

Một số loại hoá chất (dạng lỏng, rắn hoặc hơi) có thể gây bệnh viêm phổi nếu tiếp xúc. Bệnh có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng ở phổi và các cơ quan khác. Tùy thuộc vào từng loại hóa chất mà triệu chứng của bệnh có thể khác nhau.

Phòng ngừa lây nhiễm bệnh viêm phổi ở người già

  • Luôn giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt là răng miệng
  • Luôn rửa tay bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn hàng ngày.
  • Tránh tiếp xúc với nguồn bệnh.
  • Tránh sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người khác.
  • Thường xuyên vệ sinh môi trường sống sạch sẽ
  • Củng cố hàng rào bảo vệ cơ thể bằng cách:
    • Duy trì lối sống khoa học:
    • Luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh.
    • Thăm khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng một lần. 
    • Tiêm vaccine phòng bệnh viêm phổi tại các cơ sở uy tín. 

Tiêm phòng giúp người cao tuổi ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh viêm phổi.

Bài viết trên đây đã bổ sung một số kiến thức liên quan đến bệnh viêm phổi ở người già và cách phòng tránh bệnh lý này. Cùng theo dõi Nhân Ái Daycare để biết thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!