Quan niệm cho rằng người cao tuổi phải nghỉ ngơi, dưỡng sức, tập luyện sẽ làm hao mòn sức khỏe là sai lầm. Trên thực tế, người cao tuổi không vận động, lâu ngày thành thói quen lười vận động sẽ gây nhiều căn bệnh nguy hiểm và làm giảm tuổi.
Lười vận động gây hại cho sức khỏe của người lớn tuổi như thế nào và nên vận động ra sao là hợp lý, hãy tham khảo bài viết sao để tìm hiểu nhé.
Tại sao người cao tuổi cần vận động?
Lợi ích của vận động ở người cao tuổi
Người cao tuổi vận động thể lực thường xuyên sẽ giúp duy trì, cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm như giảm teo cơ, chống loãng xương, thoái hóa khớp, điều hòa huyết áp, cải thiện lưu thông máu, làm giảm lipid máu, chống béo phì, giảm tăng đường huyết, chống táo bón, thúc đẩy các hoạt động tiêu hóa và bài tiết, giúp cơ thể cải thiện khả năng chuyển hóa, hấp thu chất dinh dưỡng.
Việc vận động thể lực thường xuyên sẽ kích thích cơ thể sản xuất các loại Hormone giúp làm giảm các cơn đau, giảm stress, căng thẳng, khiến tinh thần trở nên phấn chấn, tạo sự hưng phấn, ngủ ngon hơn, gia tăng sự tự tin, hạn chế các biểu hiện lo âu, trầm cảm.
Ngoài ra vận động thể lực thường xuyên giúp tăng cường hệ miễn dịch, từ đó làm tăng khả năng phòng chống các bệnh nhiễm trùng và cả những bệnh mạn tính không lây. Hoạt động thể lực làm cho tăng cường hoạt động hô hấp, giúp tống các vi khuẩn có hại ra khỏi đường hô hấp. Đồng thời vận động cũng tăng cường các kháng thể, bạch cầu lưu thông trong máu và hệ bạch huyết.
Người lớn tuổi vận động sao cho đúng?
Người cao tuổi chọn hình thức vận động không phù hợp với tuổi tác, cơ địa, mức độ tập luyện cũng sẽ gây hại cho sức khỏe. Ngay cả những người trẻ tuổi hay vận động viên chuyên nghiệp cũng bị đột quỵ vì tập thể dục ở mức quá ngưỡng chịu đựng của cơ thể. Người cao tuổi cũng cần lắng nghe cơ thể xem nên tập ở mức độ nào phù hợp. Việc tập luyện quá sức có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể như căng cơ, mệt mỏi, chấn thương… Thực tế đã có không ít trường hợp bị cảm lạnh, trúng gió, đau tim, thậm chí đột quỵ vì hạ thân nhiệt đột ngột do tập thể dục không khoa học.
Vì vậy, người cao tuổi cần khởi động đầy đủ, mang giày thích hợp, đi trên đường phẳng, bảo đảm đủ ánh sáng, tránh trơn trượt. Nếu không khởi động đúng, tập với cường độ cao sẽ gây cảm giác mệt mỏi, đau cơ bắp, thậm chí té ngã dẫn đến gãy xương.
Nhìn chung, các bài tập giúp ích cho người cao tuổi thiên về các động tác có kháng lực, chịu lực, tập sức cơ như đi bộ, chạy bộ nhẹ, sử dụng tạ tay nhẹ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền, thể dục nhịp điệu, bơi lội, yoga; thậm chí, làm việc nhà, làm vườn cũng là một cách tập luyện vận động cần thiết.
Các môn thể thao phù hợp người lớn tuổi
Đi bộ
Đi bộ có tác dụng làm giảm huyết áp và giúp ngủ ngon hơn. Đặc biệt, nếu tập môn thể thao này thường xuyên mỗi ngày còn giúp người cao tuổi cải thiện chuyển hóa đường và mỡ, làm cơ thể tiêu thụ đường dễ dàng nên giảm lượng đường trong máu. Thậm chí, người cao tuổi đang dùng một số thuốc hạ đường máu và Insulin có thể giảm liều dùng nếu đi bộ. Đây cũng là hình thức tập luyện tốt nhất với hệ tim mạch, đồng thời nâng cao thể lực và sức đề kháng.
Đi xe đạp
Ngoài đi bộ, người cao tuổi cũng có thể lựa chọn hình thức đạp xe, giúp săn chắc da, tăng cường cơ bắp, đặc biệt là bắp chân, bắp đùi và phần hông, lưng. Để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch đến 50%,chỉ cần đạp xe khoảng 3km/ ngày.
Đạp xe không những tốt cho tim, còn tốt cho sức khỏe bệnh nhân cao huyết áp, ngăn ngừa được nguy cơ đột quỵ.i.
Bóng bàn
Đặc điểm của môn bóng bàn là người chơi chỉ vận động trong không gian hẹp nhưng bóng bàn rất có ích cho hệ tim mạch. Người cao tuổi chơi bóng bàn sẽ nâng cao được khả năng phản xạ, cải thiện sức khỏe và giúp tất cả các khớp thêm linh động.
Thêm vào đó, chơi bóng bàn còn giúp người cao tuổi vận động nhiều, kết hợp giữa mắt và tai, kích thích não bộ hoạt động và tăng cường trí nhớ dài hạn.