Tại Nhân Ái Daycare, ông Vũ – một người ông ấm áp và dễ gần – thường kể lại những ngày tháng thanh xuân đầy ý nghĩa của mình. Năm 1970, khi vừa tròn 20 tuổi, ông nhập ngũ. Và trở thành một phần của đội ngũ sản xuất vũ khí tại nhà máy Z127 ở Thái Nguyên. Công việc của ông và hơn 700 đồng đội không ồn ào nơi chiến trận. Nhưng lại là hậu phương vững chắc. Góp phần không nhỏ vào sự thành công của những trận đánh lớn.
Nhà máy Z127 – Nơi tạo ra sức mạnh từ đôi tay người lính
Nhà máy Z127 thời bấy giờ được đặt sâu trong rừng để tránh sự phát hiện của địch. Để ngụy trang, mái nhà máy được phủ đầy lá dứa. Thậm chí trồng cả cây xanh trên mái. Tạo nên cảnh quan tưởng chừng như là một phần của thiên nhiên. Bên trong nhà máy, ánh sáng từ đèn điện không có. Thay vào đó là những chiếc đèn dầu leo lét, đủ để các chiến sĩ làm việc.
Ông Vũ kể rằng, công việc trong nhà máy vô cùng gian nan. Mỗi ngày, phân tổ của ông được giao chỉ tiêu sản xuất 40 con dao từ những khối sắt, thép thô sơ. Từng con dao phải được mài giũa cẩn thận để đạt chất lượng cao nhất. Bởi đó không chỉ là công cụ mà còn là vũ khí cho chiến trường. Ngoài ra, còn có những tháng đơn vị của ông đảm nhận nhiệm vụ sản xuất lựu đạn cầu – một loại vũ khí nhỏ bé nhưng vô cùng lợi hại.
Lựu đạn cầu – Vũ khí nhỏ, sức mạnh lớn
Theo lời ông Vũ, quả lựu đạn cầu chỉ nhỉnh hơn quả bóng bàn một chút. Với vỏ bên ngoài nhẵn nhụi nhưng bên trong lại chứa hàng trăm gai nhọn nhỏ như gai mít. Những chiếc gai này được thiết kế để khi quả lựu đạn phát nổ, các mảnh vụn sẽ găm sâu vào da thịt kẻ địch, gây nhiễm trùng nặng.
Quy trình chế tạo lựu đạn cầu đòi hỏi độ chính xác cao và sự tập trung tuyệt đối. Các chiến sĩ phải đưa từng quả lựu đạn vào máy dập trong không gian chật hẹp. Chỉ một sai sót nhỏ, có thể gây thương tích nghiêm trọng. “Có đồng đội của tôi bị mất ngón tay chỉ vì bất cẩn khi đưa quả lựu đạn vào sát máy dập”. Ông Vũ kể lại với sự xúc động và niềm kính trọng đối với những người đồng đội đã hy sinh thầm lặng.
Sự ra đời của loại lựu đạn này cũng là một câu chuyện đặc biệt. Sau khi nhặt được bom, lựu đạn của địch, Tổng cục Kỹ thuật đã nghiên cứu, cải tiến. Và giao lại cho nhà máy Z127 sản xuất hàng loạt. Đây là minh chứng cho trí tuệ và sự sáng tạo của quân đội Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.
Những kỷ niệm không thể quên
Dù công việc căng thẳng và nguy hiểm, ông Vũ và đồng đội vẫn tìm thấy niềm vui trong những giờ phút giải lao. Ông kể rằng, bóng chuyền và bóng bàn là hai môn thể thao được yêu thích tại nhà máy. “Có hôm trời nắng nóng, tôi không muốn chơi. Nhưng đồng đội lại khênh tôi ra giữa sân. Chúng tôi chơi đến mức quên cả ăn cơm tối”. Ông cười kể lại.
Mối duyên bất ngờ tại Nhân Ái Daycare
Một điều bất ngờ xảy ra khi ông Vũ gặp bà Lý – một nữ chiến sĩ từng làm việc trong Tổng cục Kỹ thuật và tham gia kiểm tra số lượng vũ khí tại chính nhà máy Z127 năm xưa. Câu chuyện của hai ông bà khiến mọi người tại Nhân Ái xúc động. “Chúng tôi đều tiếc nuối vì không gặp nhau sớm hơn”. Hai ông bà chia sẻ.
Xem thêm: Câu chuyện của bà Lý – “cuốn từ điển sống” của Tổng cục Kỹ thuật
Nhân Ái Daycare tự hào được đồng hành và chăm sóc những người lính đã cống hiến cả tuổi trẻ cho đất nước. Câu chuyện của ông Vũ là minh chứng cho tinh thần làm việc không mệt mỏi, sự hy sinh thầm lặng và tình yêu đất nước sâu sắc.
Hành trình của những con người như ông Vũ là bài học quý giá về lòng yêu nước, sự sáng tạo và ý chí kiên cường. Mãi là ngọn lửa truyền cảm hứng cho các thế hệ mai sau.