Chứng suy giảm trí nhớ hay còn gọi là bệnh lẫn ở người cao tuổi là tình trạng trí tuệ suy kém, khả năng ghi nhớ giảm sút và không thể suy nghĩ sáng suốt. Vì vậy, người nhà nên có sự cảm thông, kiên nhẫn, bao dung và chăm sóc bệnh nhân đúng cách.
Cách chăm sóc người cao tuổi bị suy giảm trí nhớ
Ăn uống:
Người bệnh sẽ thường lúc tỉnh lúc mơ nên để đảm bảo an toàn, bạn cũng không nên chiều lòng để họ nấu nướng với bất cứ lý do nào đi nữa. Tình trạng lú lẫn cũng khiến bệnh nhân không phân biệt được mình đang đói hay no nên hãy nhắc họ ăn uống đúng giờ. Khi ăn, bạn nên dọn từng món ăn một để không làm bệnh nhân bối rối không biết nên chọn món nào để dùng. Dinh dưỡng cho người bệnh cần được bổ sung đủ chất và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
Ngủ nghỉ:
Càng cao tuổi sẽ càng khó ngủ, kể cả ở những người có tình trạng sức khỏe bình thường. Để giúp người cao tuổi bị lẫn ngon giấc mỗi đêm, bạn không nên để họ ngủ ngày quá giấc hay uống nhiều nước vào buổi chiều tối, tránh việc phải thức để tiểu đêm và không ngủ lại được. Đồng thời hãy hỏi ý kiến bác sĩ chứ không nên tự ý cho bệnh nhân uống thuốc an thần.
Thuốc men:
Bạn không nên để bệnh nhân tự uống mà hãy trực tiếp giúp người bệnh uống thuốc đúng giờ, đúng loại và đúng lượng. Đồng thời hãy luôn cất và khóa kỹ tủ dược phẩm. Trường hợp bệnh nhân không chịu uống thuốc, bạn có thể nghiền nhỏ thuốc rồi pha lẫn với thức ăn hoặc nước trái cây.
Quần áo:
Bệnh nhân cần mặc trang phục rộng rãi, thoải mái, ít cúc và móc rắc rối. Bạn nên chuẩn bị sẵn hai hoặc ba bộ giống nhau vì có khi người bệnh chỉ thích mặc đúng bộ quần áo đó. Có thể người bệnh sẽ không nhớ được cách cột dây giày nên bạn hãy chuẩn bị giày không dây hoặc loại có vải dính nhé.
Tắm rửa:
Hãy đảm bảo nước tắm đã đủ ấm, chuẩn bị sẵn ghế tắm, tay vịn, nhất là thảm cao su để tránh người bệnh bị té ngã khi tắm.
Thay đổi tính tình: Với thời gian, chứng suy giảm trí nhớ ở người già ngày càng nặng hơn, họ sẽ bị mất niềm tin, thường xuyên tỏ ra nghi ngờ, cáu gắt, khó chịu khiến người nhà buồn lòng cũng như khó xử. Bạn hãy cố gắng thấu hiểu, thông cảm và an ủi họ bằng giọng điệu nhẹ nhàng, rõ ràng mà gắn gọn vì nếu không, chính những bực tức, khó khăn của bạn sẽ khiến bệnh tình của họ trầm trọng hơn.
Bạn cần cảm thông và bao dung với người cao tuổi bị suy giảm trí nhớ trong gia đình
- Có biện pháp phòng bệnh nhân đi lạc: Bạn cần gắn hệ thống báo động ở cửa ra vào tránh việc bệnh nhân ra ngoài mà bạn không biết, nên sử dụng ổ khóa cần chìa khóa mới mở được. Hãy chuẩn bị sẵn vòng, bảng tên có ghi địa chỉ, thông tin cho bệnh nhân mang theo bên mình. Nếu được, bạn có thể nhờ hàng xóm để ý giùm phòng khi người bệnh ra khỏi nhà.
- Nhà ở: Bạn có thể treo trong nhà những khung hình kỷ niệm của người thân để nhắc họ gợi nhớ, đặc biệt là những bức hình về những khoảnh khắc thành công trước đây. Đồng thời, nhà ở cần trang hoàng và sắp xếp sao cho đầy đủ ảnh sáng, gọn gàng để bệnh nhân có thể dễ dàng đi lại. Hãy luôn luôn tạo cơ hội để bệnh nhân được gần gũi với con cháu, nhất là các bé nhỏ.
Chế độ dinh dưỡng để phòng tránh bệnh suy giảm trí nhớ
Suy giảm trí nhớ là căn bệnh tuổi già nhưng vẫn có thể phòng tránh hoặc ít nhất là giảm nhẹ tình trạng bệnh bằng một chế độ phù hợp. Để phòng tránh bệnh lẫn, bạn cần ăn các thức ăn từ cá ít nhất 2 lần/ tuần để bổ sung EPA phòng bệnh tim mạch và DHA giúp não bộ chậm lão hóa. Tốt nhất, bạn nên hấp hoặc luộc cá vì nếu chiên, rán ở nhiệt độ cao sẽ phá hủy DHA. Đồng thời, hãy áp dụng chế độ ăn ít chất béo, giàu chất oxy hóa như vitamin E, C, ăn nhiều trái cây, rau xanh để phòng tránh được bệnh suy giảm trí nhớ ở người già nhé.
Bên cạnh đó, để đảm bảo người cao tuổi trong gia đình không bị thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết không cung cấp đủ trong bữa ăn hàng ngày, bạn cũng có thể tập cho người cao tuổi thói quen uống 02 ly sữa mỗi ngày để duy trì và cải thiện tình trạng sức khỏe tốt hơn.
Người nhà cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng cho người cao tuổi bị suy giảm trí nhớ, giúp khắc phục và ngăn ngừa diễn biến xấu của bệnh
Hy vọng những thông tin được Nhân Ái Daycare cung cấp trong bài viết có thể giúp bạn xây dựng chế độ chăm sóc người bệnh nhân hiệu quả, tránh cho tình trạng lẫn trở nên trầm trọng hơn.