1. NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH TIM MẠCH Ở NGƯỜI GIÀ
Khi tuổi cao, hệ thống tim mạch bắt đầu lão hóa. Các mạch máu sẽ giảm dần tính đàn hồi, dễ xuất hiện tình trạng xơ vữa động mạch. Lúc này lòng mạch máu hẹp lại, tim phải hoạt động nhiều hơn để cung cấp máu nuôi các tế bào, các bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là não bộ.
Xơ vữa động mạch khiến áp lực dòng chảy trong máu tăng lên, gây ra tình trạng tăng huyết áp. Đây là một trong những bệnh tim mạch thường gặp ở người già. Khi tim phải tăng cường hoạt động, tăng sức và số lần co bóp sẽ dẫn đến hậu quả cuối cùng là suy tim.
Ngoài ra, các mạch máu bị xơ cứng, giảm dần sự đàn hồi cũng sẽ khiến tim phải hoạt động cật lực hơn để co bóp. Qua thời gian, thành tim bị dày lên, trong khi các mạch máu bị xơ vữa lại hẹp, sẽ dẫn đến thiếu máu cơ tim. Đây là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.
2. CÁC BỆNH LÝ TIM MẠCH THƯỜNG GẶP Ở NGƯỜI CAO TUỔI
Dưới đây là một số bệnh lý tim mạch phổ biến mà người cao tuổi có thể gặp phải.
2.1 Đau thắt ngực
Các cơn đau thắt từng cơn ở vùng tim, xảy ra do thiếu máu cơ tim, hoặc mất cân bằng tạm thời giữa sự cung cấp và nhu cầu oxy cần thiết. Tình trạng này có thể tự phục hồi được.
- Vị trí đau: thường nằm giữa, phía sau xương ức, có thể lan lên cổ, xương hàm, vai hoặc lan ra cánh tay, bờ trong cẳng tay.
- Hình thái cơn đau: Đau kiểu co thắt, đè nặng hoặc có cảm giác lồng ngực bị ép; khi đau rát, đôi khi cũng có thể gây ngạt thở.
- Thời gian đau: Thường ngắn khoảng 2-5 phút.
- Triệu chứng khác: Đánh trống ngực, buồn nôn, hồi hộp, vã mồ hôi, tiểu nhiều…
2.2 Người cao tuổi dễ bị xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là vấn đề tim mạch rất phổ biến ở người cao tuổi. Đây cũng là nguyên nhân gây ra các bệnh lý nguy hiểm khác cho tim mạch. Xơ vữa động mạch được hiểu là hiện tượng xơ hóa thành động mạch trung bình và động mạch lớn với biểu hiện chủ yếu là sự lắng đọng mỡ và các màng tế bào tại lớp bao trong thành động mạch gọi là mảng vữa.
Có 3 giai đoạn chính của xơ vữa động mạch là:
- Giai đoạn tiềm tàng chưa xuất hiện bệnh lý.
- Giai đoạn lâm sàng xuất hiện các triệu chứng thiếu máu của cơ quan điển hình như: tim, não…
- Giai đoạn biến chứng do thiếu máu cục bộ. Tùy thuộc vào cơ quan tổn thương mà triệu chứng có thể khác nhau.
2.3 Nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là một trong những bệnh tim mạch nguy hiểm ở người già. Nguyên nhân phổ biến gây nhồi máu cơ tim ở người cao tuổi là do cục máu đông xuất hiện ở động mạch vành, làm tắc mạch máu. Lúc này tim thiếu oxy, tế bào cơ tim ngưng hoạt động. Bên cạnh đó, nhồi máu cơ tim cũng có thể do các mảng xơ
2.4 Tăng huyết áp ở người già
Huyết áp tỷ lệ thuận với tuổi tác, nhất là khi bước vào tuổi trung niên. Theo Viện tim, phổi và máu quốc gia, một người có huyết áp khỏe mạnh ở độ tuổi 50 có tới 90% nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp trong khoảng thời gian còn lại của cuộc đời.
Hầu hết các trường hợp tăng huyết áp không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi phát hiện bệnh. Một số triệu chứng thoáng qua người bệnh có thể gặp phải như: choáng, mệt, khó thở, mắt mờ… Người cao tuổi nên thường xuyên kiểm tra huyết áp để phát hiện dấu hiệu bất thường.
2.5 Đột quỵ (tai biến mạch máu não)
Bệnh xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần của não bộ bị gián đoạn hoặc sụt giảm nghiêm trọng. Điều này gây thiếu hụt oxy và dinh dưỡng cho mô tế bào não.
Chỉ trong vòng vài phút từ khi xuất hiện đột quỵ hay tai biến mạch máu não, các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Người bệnh cần được cấp cứu kịp thời để giảm thiểu tổn thương và nguy cơ tử vong.
2.6 Rối loạn nhịp tim và dẫn truyền ở người cao tuổi
Rối loạn nhịp tim ở người cao tuổi xảy ra khi các xung điện trong tim dẫn truyền tạo nhịp tim không hoạt động đúng khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc đột ngột. Một số trường hợp rối loạn nhịp tim gây khó chịu, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Rối loạn nhịp tim là tình trạng tim đập lúc nhanh lúc chậm một cách bất thường
Triệu chứng:
- Lúc nhanh lúc chậm.
- Cảm nhận được tim rung trong lồng ngực.
- Đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, ngất…
2.7 Bệnh tâm phế mạn
Một bệnh lý tim mạch ở người già khác phải kể đến là Tâm phế mạn. Bệnh xảy ra do sự phì đại hoặc giãn ra thứ phát của tâm thất phải sau các rối loạn hoặc bệnh lý của hệ hô hấp. Một số nguyên nhân gây bệnh phải kể đến:
- Xảy ra do một bệnh bên trong chủ mô phổi.
- Do bất thường của sự chỉ huy thông khí phổi.
- Tổn thương lồng ngực hay hệ thống cơ hô hấp.
- Bệnh lý của tuần hoàn phổi.
Ở giai đoạn đầu người bệnh thường bị viêm phế quản mạn tính, khí phế thủng nếu dùng thuốc lá kéo dài, hen phế quản… Đây được xem là các triệu chứng lâm sàng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Về sau chuyển sang giai đoạn tăng áp lực động mạch phổi và giai đoạn suy tim phải.
2.8 Mắc bệnh lý suy tim
Suy tim là tình trạng bệnh lý do cơ tim mất khả năng cung cấp máu theo nhu cầu của cơ thể. Ban đầu xảy ra khi gắng sức, sau đó xuất hiện cả trong lúc nghỉ ngơi.
Ở giai đoạn đầu, không có biểu hiện bệnh lý cụ thể. Khi bệnh tiến triển nặng, người bệnh sẽ thấy hụt hơi, khó thở. Ban đầu là các cơn khó thở nhẹ chưa ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Về sau khó thở xảy ra cả khi nghỉ ngơi khiến người bệnh ngủ không ngon giấc, thậm chí là mất ngủ.
2.9 Tắc nghẽn động mạch – Bệnh lý tim mạch nguy hiểm ở người cao tuổi
Các mảng bám hình thành do chất béo, cholesterol, calci, fibrin… có thể làm tắc nghẽn động mạch. Điều này cản trở hoặc cắt đứt hoàn toàn sự lưu thông của dòng máu đến các bộ phận bên trong cơ thể. Ở người già thường có tỷ lệ tắc nghẽn mạch máu cao do tuổi tác, sự lão hóa của mạch máu.
Các vị trí tắc nghẽn phổ biến của động mạch có thể kể đến là tim, não, cánh tay, chân, thận…
Triệu chứng của tắc nghẽn động mạch phụ thuộc vào vị trí của mảng bám. Thường gặp là động mạch vành, động mạch ngoại biên và động mạch cảnh.
- Động mạch vành: Đau thắt ngực, thở ngắn, chóng mặt, đổ mồ hôi nhiều, buồn nôn, tim đập nhanh.
- Động mạch ngoại biên: Đau chân, tê cóng ở ngón chân, bàn chân, lạnh chân, vết thương ở chân lâu lành…
- Bệnh động mạch cảnh: Tê cứng hoặc suy yếu cảm giác ở một bên cơ thể, mất thị lực một bên mắt, không có khả năng di chuyển một cánh tay hoặc một chân…
3. KHI NÀO NGƯỜI CAO TUỔI CẦN ĐẾN GẶP BÁC SĨ
Người cao tuổi gặp các vấn đề về sức khỏe tim mạch cần được quan tâm, chăm sóc kịp thời. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng dưới đây cần nhanh chóng đưa người cao tuổi đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám và tư vấn về tình trạng sức khỏe hợp lý:
- Đau thắt ngực.
- Rối loạn nhịp tim.
- Huyết áp tăng cao hoặc giảm đột ngột.
- Hụt hơi, mất sức trong thời gian dài…
4. ĐIỀU TRỊ BỆNH TIM MẠCH Ở NGƯỜI GIÀ NHƯ THẾ NÀO?
Các bệnh lý tim mạch ở người cao tuổi không chỉ xuất hiện do tuổi tác, tự phát mà còn có thể do lối sống trước đó không hợp lý khiến việc điều trị trở nên khó khăn, phức tạp.
4.1 Dùng thuốc điều trị bệnh tim mạch cho người già (Nội khoa)
Người già thường mắc nhiều bệnh lý cùng lúc như huyết áp, tiểu đường, khớp, gan, thận… Do đó cần sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc là không tránh khỏi.
Trong quá trình sử dụng thuốc người bệnh cần thận trọng, báo với các bác sĩ điều trị bệnh lý về loại thuốc mình đang sử dụng để tránh gặp phải tương tác thuốc gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Ngoài ra, việc mắc nhiều bệnh lý cùng lúc cũng tạo nên vòng xoắn bệnh lý. Nghĩa là khi một bệnh trở nặng sẽ kéo theo các bệnh khác tiến triển theo. Vì vậy, nếu không được chăm sóc và điều trị phù hợp sẽ không giữ được sức khỏe lâu dài để chống chọi lại bệnh tật.
4.2 Phẫu thuật (Điều trị ngoại khoa)
Ở người già bị bệnh tim mạch, việc điều trị ngoại khoa là vô cùng phức tạp. Đặc biệt với các bệnh tim mãn tính dẫn đến suy tim cần được điều trị ngoại khoa.
Tiêu chí lựa chọn phương pháp phẫu thuật:
- Dựa trên thời gian phẫu thuật: Khả năng chịu đựng của người già thấp hơn bình thường nên cần cân nhắc khi lựa chọn các phương pháp mổ hở, gây mê toàn thân, làm mất máu nhiều khiến người già khó có thể chịu đựng được.
- Kháng sinh dự phòng nhiễm khuẩn: Hạn chế tối đa việc dùng kháng sinh. Phương pháp phẫu thuật hiện đại, môi trường càng vô khuẩn, vết mổ nhỏ thì càng ít phải dùng kháng sinh dự phòng.
- Thời gian phục hồi: Càng sớm càng tốt.
Dựa trên các tiêu chí này, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh.
5. CÁCH PHÒNG BỆNH TIM MẠCH Ở NGƯỜI GIÀ
Chú trọng phòng bệnh tim mạch cho người già là vô cùng cần thiết. Một số hướng dẫn trong phòng ngừa tim mạch ở người già bao gồm:
- Xây dựng và tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học, tránh ăn nhiều chất béo. Bởi chất béo sẽ khiến nồng độ cholesterol trong máu tăng cao, là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý về tim mạch.
- Kiểm soát cân nặng, trong trường hợp thừa cân cần có chế độ tập luyện, giảm cân hợp lý.
- Kiêng rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích…
- Tích cực tăng cường vận động, giúp cơ thể khỏe mạnh và đốt cháy mỡ thừa… Theo nghiên cứu, những người không thường xuyên hoặc không vận động, có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch so với những người chăm chỉ tập luyện.
- Hạn chế căng thẳng, stress, điều này có thể khiến nhịp tim tăng nhanh và làm tăng huyết áp.
Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh tim mạch ở người cao tuổi, cần thường xuyên khám và kiểm tra sức khỏe theo định kỳ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Theo các chuyên gia y tế, người già, người cao tuổi nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần. Nên đăng ký gói khám có bao gồm đo điện tim và thực hiện các xét nghiệm chỉ số sức khỏe như mỡ máu, huyết áp, đường huyết…